Viêm amidan rất phổ biến ở nước ta. Đây là căn bệnh về đường hô hấp gây ra cho bệnh nhân nhiều phiền toái nhưng không chữa trị kịp thời khiến số lượng ca viêm amidan mãn tính tăng nhanh trong thời gian qua. Viêm amidan mãn tính thường được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amidan. Vậy khi nào nên cắt amidan đây?
Các phương pháp điều trị viêm amidan
Có một thời điểm, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt amidan đối với các trường hợp viêm amidan tái đi tái lại, nhưng bây giờ chỉ định này ít hơn rất nhiều. Ngày nay, phấu thuật chỉ được chỉ định nếu như các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Viêm amidan thường do virus. Việc chăm sóc điều trị ở nhà bao gồm nghỉ ngơi, súc miệng bằng nước muối ấm, sử dụng các thuốc giảm đau không qua kê đơn và uống thật nhiều nước. Viêm amidan do vi khuẩn thì thường được điều trị với kháng sinh.
Nếu tình trạng nhiễm trùng trầm trọng, các triệu chứng viêm amidan ngày càng nặng hơn, không điều trị có thể làm cho amidan sưng nề quá mức và có thể cản trở đường thờ. Mủ từ các amidan bị nhiễm trùng sẽ tích lũy ở các mô mềm xung quanh, gây đau họng và cần thiết phải được điều trị để ngăn ngừa sự phát tán của chúng vào trong máu. Một số nhóm vi khuẩn streptococcus có thể gây ra những biến chứng trầm trọng khác như viêm thận hoặc thấp khớp.
Như một quy luật, nếu như tình trạng viêm họng trở nên tồi tệ hơn, kéo dài trên 2 ngày hoặc kèm theo khó thở, khó nuốt thì bạn cần đến bác sĩ ngay lập tức. Những dấu hiệu cảnh báo khác cần chú ý là tình trạng sốt trên 102 độ F hoặc 39oC, cứng cổ hoặc đau bụng, nôn.
Để hạn chế viêm Amidan chúng ta cần tránh các yếu tố nguy cơ gây viêm:
-Vệ sinh: giữ ấm vùng mũi họng nhất là lúc giao mùa, trời quá lạnh.
-Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: bụi, khói thuốc lá…
-Tránh dùng đồ ăn uống quá nóng hay quá lạnh.
- Vệ sinh tại chỗ: súc họng sau khi ăn, sáng - tối.
-Viêm Amidan cấp với biểu hiện 1 hoặc 2 triệu chứng hay nhiều triệu chứng sau: sốt, mệt mỏi, có hạch cổ, nuốt khó, đau, ăn khó, thở hôi, khạc ra chất bã đậu hay mủ.
- Đối với viêm Amidan cấp thông thường sử dụng kháng sinh uống, có thể tiêm kèm theo thuốc giảm viêm, giảm đau, thuốc súc họng tại chỗ và vitamin.
- Không điều trị hay điều trị không đúng có thể dẫn tới biến chứng viêm tấy - áp xe quanh Amidan, viêm tấy- áp xe thành họng, viêm hạch cổ, thấp khớp, viêm cầu thận, viêm tai giữa…Trong trường hợp có biến chứng việc điều trị tốn kém và kéo dài thời gian nằm viện hơn cho người bệnh.
Khi nào cần cắt Amidan và khi cắt Amidan chúng ta phải làm gì?
Cắt Amidan có những chỉ định chặt chẽ. Có 3 chỉ định cơ bản
1. Viêm Amidan tái diễn nhiều lần: 5-7 lần/năm.
2. Viêm Amidan đã có biến chứng nhiều lần tại Amidan hay toàn thân: viêm - áp xe quanh Amidan, viêm tấy - áp xe thành họng, thấp khớp, hạch cổ…
3. Viêm Amidan quá phát ảnh hưởng đến chức năng ăn nuốt (nuốt vướng, nuốt khó liên tục, chức năng thở (ngủ ngáy, cơn ngừng thở ngắn).
Thông thường người ta tiến hành cắt Amidan cho người bệnh khi đang không có biểu hiện viêm cấp tính của bệnh lý Amidan cũng như toàn thân. Người bệnh sẽ được xét nghiệm các thông số về máu như công thức máu, sinh hoá máu, sinh hoá nước tiểu, chụp tim phổi, điện tim và khám tai,mũi, họng để đảm bảo đủ điều kiện gây mê cắt Amidan. Nguời bệnh cần được nghỉ ngơi, dùng an thần tối ngày trước mổ.
Hiện nay, cùng với tiến bộ của thuốc mê, phương pháp gây mê, đa số các bệnh viện thực hiện cắt Amidan gây mê nội khí quản giúp cho người bệnh tránh đau và ảnh hưởng tâm lý nhất là trẻ em. Các phương tiện cắt Amidan hiện nay giúp cho việc cắt Amidan gần như không chảy máu. Một số phương tiện mới hiện đại mới được áp dụng như dao mổ dùng sóng siêu âm, dao Coblator dùng sóng radio, dao mổ peakblade sử dụng sóng plasma giúp việc cắt Amidan gần như không chảy máu và giảm đau sau mổ rất hiệu quả. Thời gian nằm viện sau mổ được rút ngắn chỉ cần nằm viện sau mổ 1-2 ngày.
Sau mổ cắt Amidan, người bệnh được sử dụng kháng sinh tiêm hoặc uống, dùng giảm đau, chống viêm, an thần và vitamin. Người bệnh được hướng dẫn chế độ ăn từ lỏng đặc dần, ăn uống trở lại bình thường vào ngày thứ 10. Kiêng nói trong ngày đầu tiên phẫu thuật, sau đó có thể nói nhỏ. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, ăn bổ sung chất có dinh dưỡng cao và vitamin, tránh chất kích thích cay chua, vệ sinh họng miệng. Đặc biệt nên chú ý ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 có thể chảy máu do bong giả mạc tại hốc mổ. Hốc mổ Amidan hồi phục sau 2-3 tuần. Cá biệt có người chảy máu sau ngày thứ 10.
Viêm amidan cùng các căn bệnh về đường hô hấp khác như viêm xoang, viêm mũi dị ứng,... đang là nỗi ám ảnh cho những ai đang mắc phải. Bởi vậy thực hiện các biện pháp phòng tránh chúng là thực sự cần thiết cho bạn và người thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét